Chi tiết - Hội văn học nghệ thuật

 

THƠ CA HẬU GIANG - NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG TUỔI 20

Ngày 08:23:16 11-12-2023 - Lượt xem: 2773

THƠ CA HẬU GIANG - NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG TUỔI 20

Vĩnh Trà - Anh Huy

Từ khi thành lập tỉnh, thơ ca Hậu Giang có thể ví như “người đẹp đang ngủ say”, chưa được khai phá. Nhưng từng ngày, “người đẹp” ấy dần dần thức giấc và đã góp phần tạo nên “đặc sản tinh thần” không thể thiếu, góp phần đưa Hậu Giang trở thành miền đất lành, chim đậu, có hoa thơm, trái ngọt... Có thể nói, chặng đường 20 năm của thơ ca Hậu Giang, đó chính là câu chuyện của những “bước chân ba thế hệ”.

Nhớ một thời văn thơ sôi nổi

Sau khi thành lập tỉnh, văn chương Hậu Giang khá phát triển với nhiều cây bút gạo cội, đầy tâm huyết như Phan Hiền Đức, Thanh Huyền, Trúc Linh Lan, Sao Mai, Vũ Hoàng Điệp, Lê Văn Hồng, Đặng Ấu, Huỳnh Thị Nguyệt, Nguyễn Anh Mỹ, Hà Trần …  Các nhà văn, nhà thơ đã tạo nên nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh toàn diện bức tranh Hậu Giang với gam màu phong phú, đa dạng. Tuy chưa thể so sánh với các phân hội văn học ở các hội văn học nghệ thuật trong khu vực và cả nước, nhưng các tác giả đã thể hiện sự tìm tòi, khám phá và ghi nhận thực tại cuộc sống bằng những tác phẩm sinh động, thu hút sự quan tâm của độc giả.

Nổi bật trong đó là nhà thơ Trúc Linh Lan - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang. Nhà văn, đạo diễn Lê Văn Duy từng nhận xét: Dẫu cuộc đời gian truân, cô độc, thơ Trúc Linh Lan vẫn đọng lại trong lòng độc giả yêu thơ những cảm giác man mác, ngọt ngào như dòng sông Hậu hiền hòa xuôi ra biển cả mênh mông …”.

“Sóng biển xô bờ tím ngát mỗi hoàng hôn

Tôi trải tim mình biếc cả mùa thơm

Theo tiếng sáo, cọng rơm vàng, phù sa, cánh cò của mẹ

Mang câu dân ca, giọng hò điệu lý

Theo chân người lam lũ đất phương Nam”

(Đêm trầm tích)

Tác giả Lê Xuân trên Diễn dàn văn chương TPHCM từng nhận xét: “Thơ Trúc Linh Lan luôn có sự kết hợp giữa tính hiện thực và cảm hứng lãng mạn, không cầu kỳ đánh bóng hay làm dáng làm duyên mà chỉ bằng những câu chữ đời thường đậm chất dân gian Nam Bộ được chọn lọc, được nâng lên theo cảm xúc để truyền đi thông điệp về tình yêu quê hương, gia đình, bè bạn và trách nhiệm công dân trước nhiều vấn đề của xã hội, con người và đất nước, thơ chị dung dị như hơi thở, như tiếng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, đôn hậu đầy nữ tính của người con gái vùng đất Chín Rồng”.

“Đêm mắc võng hát vài câu vọng cổ

Đôi mắt ai lúng liếng mé hiên nhà

Trăng rơi xuống bồng bềnh trên sông nước

Điên điển vàng rực ấm cả bờ xa”

(Đêm hành quân nghe câu dân ca Nam Bộ)

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến nhà thơ “cây đa, cây đề” Thanh Huyền - Đức Thành, một trong thế hệ nhà thơ đầu tiên sau thành lập tỉnh. Trong suốt cuộc song hành, họ đã cùng in chung 4 tập thơ: “Vần trăng viên mãn”, “Hoa nắng chiều xuân”, “Con đường hạnh phúc” và “Chung bóng đường thi”. Một điều dễ cảm nhận ở mỗi tập thơ lúc nào cũng là những cảm xúc về Đảng, về Bác Hồ, về các danh nhân, anh hùng dân tộc và về tình yêu đôi lứa. Thơ của nhà thơ Đức Thành có độ vang và hùng tráng:

“Chiến trường ác liệt chục năm xưa

Vết tích còn chăng trải nắng mưa

Một thuở oai hùng ghi nhớ mãi

Nói sao lời lẽ mấy cho vừa”

(Về căn cứ xưa)

Nhưng cũng đầy chất trữ tình, lãng mạn:

“Thành phố Vị Thanh sen nở đầy hồ

Hoa súng thắm dòng kênh xanh sóng sánh

Giọt nắng hồng làm e ấp canh hoa xinh

Sông Xà No chở đầy nỗi nhớ

Cho mùa xuân nối tiếp mùa xuân”

(Tình xuân)

Đối với nhà thơ Thanh Huyền, thơ là nơi tác giả trút hết mọi nỗi niềm, gửi gắm những tâm tư, những điều không thể chia sẻ, không thể nói hết bằng lời. Thơ chính là tiếng lòng, sự trải lòng với cuộc sống. Khi thả hồn vào thơ, tác giả trở thành một con người khác, ngọt ngào, sâu lắng, thổn thức và rạo rực:

Ánh mắt ai say để hồn tôi theo ghé

Đêm đồng bằng khắc khoải nỗi nhớ mong

Say giấc điệp hồn chao theo ngọn sóng

Đi giữa dòng đời mà cứ ngỡ dòng sông

(Chiếc áo bà ba)

            Một thế hệ thơ ca đầu tiên cũng phải kể đến nhà thơ Sao Mai. Đến những vần thơ, người đọc sẽ cảm nhận được những nhọc nhằn của người phụ nữ luôn khát khao, luôn hướng đến một cuộc sống tốt đẹp. Đâu đó những dòng thơ là chính con người nhà thơ, những ưu tư nặng mang và những nỗi niềm khó tả giữa cái riêng, chung của cuộc sống. Thơ chị nhẹ nhàng, ngôn từ giản dị, không gò bó câu chữ, tạo sự thân thiện và gần gũi với người đọc, nhưng ẩn sau đó người đọc vẫn cảm nhận được cuộc đời nhiều thăng trầm của chính tác giả và thơ chính là người bạn tri âm, là nơi giải tỏa, sẻ chia những nỗi buồn vui của cuộc  sống. Càng va chạm với cuộc sống, tâm hồn nhạy cảm của tác giả càng cần đến thơ, như một người bạn tâm giao khó tách rời …

“Nửa đời thao thức trong thơ

Chạm vào trái tim đã mỏi

Soi giữa hồn thơ

Ta nhìn rõ ta với đầy ắp vui buồn…”

(Thơ viết cho mình)

Dù vui hay buồn, lúc đọc thơ chị, độc giả vẫn cảm nhận được một Sao Mai yêu đời, yêu người, hăm hở trước cuộc sống và có niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Niềm tin giúp chị vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc sống và cũng chính niềm tin đã nuôi dưỡng trọn vẹn hồn thơ của chị:

“Nếu cuộc đời không nuôi dưỡng niềm tin

Nếu cuộc sống không nuôi mầm mơ ước

Thì biển đẹp cũng chỉ là sóng nước

Lúc ta nhìn biển sẽ hóa hư vô …”

(Nếu chiều nay có anh)

            Thế hệ “nặng nợ với thơ”

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng chiêm nghiệm rằng: “Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngưng nghiên cứu và quan sát”. Các nhà thơ ở thế hệ này như Bảo Bình, Trần Đông, Tuyết Băng, Dương Công Đời, Nhựt Trường, Lê Thị Hằng… dường như có sợi dây liên kết vô hình giữa thơ và cuộc đời - những người “nặng nợ với thơ”.

Nhắc đến nhà thơ Bảo Bình, người yêu thơ Hậu Giang không lạ. Giở từng trang thơ của chị mới thấy, chị đã sống bằng cảm xúc, bằng trải nghiệm để “vẽ” lại cuộc đời bằng góc nhìn có phần da diết, với chiều sâu của trăn trở, suy tư...  Có lẽ, độ lắng của từng con chữ trong thơ chị đã chạm đến sự rung cảm của độc giả:

“Nghiêng thời gian

Tìm hương xưa, thời nép vào áo mẹ

Thời vô tư cười trước giọt mồ hôi mẹ

Ngã lăn quay

Giữa rơm rạ chiều nồng ấm”.

(Nghiêng thời gian)

Thơ Bảo Bình nặng suy tư, nghiền ngẫm. Độc giả cảm nhận được chị trải lòng trọn vẹn những chuyện vui buồn của mình. Chuyện buồn, chị tìm người chia sẻ, chuyện vui, chị muốn được góp thêm một tiếng cười. Những ai đã từng trải qua những mất mát trong cuộc sống này, chẳng thể không rung động với những vần thơ có thấm những giọt lệ:

“Mẹ nghiêng một nửa vai gầy

Con nghiêng một nửa mảnh đời chông chênh

Ba đành, buông một kiếp người

Mẹ con mình, phút chốc thành mồ côi …”

   (Mẹ, ba và con)

Nhà thơ Tuyết Băng, dù chưa bao giờ tự nhận là nhà thơ, mà chỉ tự nhận là người nhặt và ghi lại những thanh âm cuộc sống, thế nhưng thơ của chị nóng hổi hơi thở, tràn ngập tâm tư, tình cảm và cảm xúc từ hiện thực cuộc sống. Thơ chị vừa ngọt ngào đầy cảm xúc, vừa sâu lắng và có một chút gì xót xa, lại chiêm nghiệm về một kiếp người với nhiều nỗi đa đoan. Khi mệt mỏi với câu chuyện cuộc đời, chị lại hòa mình vào thơ để tỉ tê tâm sự và xem đây là nơi trú ngụ của tâm hồn:

“Nợ tằm tơ dệt mùa vàng

Nợ mùa cánh én gian nan lối về

Nợ thơ ta rót chén thề

Cạn cùng vần điệu tỉ tê nỗi niềm …”

(Nợ)

Những sáng tác trẻ được sự chú ý

Cùng với lực lượng sáng tác đã định hình phong cách, mang đến cho độc giả những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống, Hậu Giang còn có một lớp trẻ đầy triển vọng, đó là Kim Hương, Huy Tùng, Kim Biên, Trúc Phương, Hữu Trọng, Trần Thu Hà … Tham gia vào hội chưa lâu, nhưng các tác giả đã phát huy sức trẻ bằng những sáng tác ghi đậm dấu ấn, đạt những giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác thơ trong, ngoài tỉnh.

Thơ Nguyễn Kim Hương giản dị, mộc mạc mà thắm đượm nghĩa tình như phù sa sông nước quê hương.

Cho tôi xin một vé tuổi thơ ơi!

Có hương lúa, tiếng chim,

Có cánh diều ngày xưa thấp thoáng

Có trò chơi cút bắt,

Có những chiều ngụp lặn sông quê

Để nghe vi vút gió ngoài đồng rộng”

(Xin một vé cho ngày xuân)

Nhắc đến Huy Tùng, là một trong những gương mặt thơ trẻ ấn tượng thuộc thế hệ 8x. Thơ Huy Tùng thể hiện rõ nỗi suy tư, trăn trở, dằn vặt trước cuộc sống và tình yêu. Lắng sau những âm thanh náo nhiệt của dòng đời, thời gian và không gian trong thơ có lúc dường như ngưng đọng và tĩnh lặng đến không ngờ. Đâu đó ta nghe như tiếng thở dài hoang hoải, nỗi ngậm ngùi với quá khứ đã qua; gợi lên trong thẳm sâu tâm thức bao điều nhói buốt.

Ai cũng có miền quê để về phải không em?

Chiều giáp tết anh chơi vơi ngược xuôi phố lạ

Thoang thoảng nơi xa hương mai mẹ vừa lặt lá

Cho anh về ngắm hoa vàng trước cổng yêu thương.

Ai cũng có miền quê khi xa lòng mãi vấn vương

Chiếc xuồng nhỏ đưa em đến trường ngày hai lượt

Hương bưởi thơm chị gội đầu tóc đen bóng mượt

Hoa cau đêm hẹn hò rụng trắng bến sông thương!

                                     (Ai cũng có một miền quê)

            Người viết trẻ có thể nhắc đến tác giả Hữu Trọng, người luôn nhận mình là “văn nghệ nửa mùa”. Thơ Hữu Trọng khá chân phương, hướng đến nhịp điệu trong từng câu chữ, nội dung thường phản ánh về nếp sống nông thôn:

“Bình bát ơi!

Không biết có tự bao giờ

Sao quê mình đâu đâu anh cũng thấy

Lá bùi bùi em nói là tiền giấy

Mua đồ ăn, rối rít chơi nhà chồi

Bình bát ơi còn nhớ chuyện xa xôi

Chỉ nhớ lúc em cầm làm roi nhịp nhịp

Điệu bộ nghiêm trang, chúng ta học tiếp

Rồi bụm miệng cười

Anh cũng ngơ ngác theo”

(Cây bình bát)

Ba thế hệ thơ ca với nhiều tác giả nổi bật, người viết chưa thể phân tích hết từng chất thơ riêng của các tác giả. Người viết chỉ mong góp nhặt, trích lại những câu thơ hay, những cảm xúc đẹp để độc giả phần nào hiểu thêm về chặng đường 20 năm nhìn lại của thơ ca Hậu Giang.

Dù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng phải nói rằng, thơ ca Hậu Giang đã và đang hòa vào dòng chảy văn chương của tỉnh nhà và khu vực ĐBSCL, dần khẳng định vị thế của mình trong sự phát triển của văn học nghệ thuật. Từ đó, thơ ca Hậu Giang không chỉ là “bước chân ba thế hệ” mà hướng tương lai sẽ là “bước chân nhiều thế hệ”; qua đó, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển lên tầm cao mới xứng tầm với tiềm năng của một vùng đất vốn có truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính đặc thù riêng của quê hương Hậu Giang, vùng đất “đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung, năng động”.


Đang online: 1
Hôm nay: 86
Đã truy cập: 17981