Chi tiết - Hội văn học nghệ thuật

 

"HẠT NGỌC" GIỮA ĐỒNG BẰNG

Ngày 09:10:16 16-04-2024 - Lượt xem: 62

"HẠT NGỌC" GIỮA ĐỒNG BẰNG

Trần Thị Diễm My

Có một loại hạt nho nhỏ, khoác chiếc áo màu vàng óng, người miền Nam chúng tôi gọi nó là lúa, miền Bắc gọi là thóc, nhưng chúng là một. Sau khi tách khỏi lớp vỏ cứng, chúng hóa kiếp trắng ngần, bóng bẫy, được ví von là "hạt ngọc trời".

Trong không khí se se lạnh của những ngày giáp năm, khi trời chạng vạng tối, tôi trở lại cư xá tại một trường Trung học phổ thông cùng huyện, nơi tôi đang công tác. Tôi vừa hoàn thành công tác coi thi học kì một, để chuẩn bị thời khắc Tết Dương lịch năm Giáp Thìn 2024, vì khá trễ nên tôi quyết định ở lại một đêm. Vì khá mệt với không khí căng thẳng của mùa thi, vừa đắp chăn, từng cơn mộng mị rời rạc kéo tôi về những ngày của 6 năm trước dưới cái nắng khủng khiếp nhu thiêu đốt của dải đất miền Trung thân yêu, chuyến xe chở các cô cậu sinh viên đi thực tế 12 ngày ở các tinh miền Trung - Tây Nguyên. Hành trình kéo dài hơn 700 km, tất cả chúng tôi đều thấm mệt, dù vừa bước sang tháng 3, những đồi núi, ruộng nương, con đường như nhòe đi vì nắng. Tôi từng đọc đâu đó rằng: "Những ngày tháng 3 đang về trong hơi thở dịu dàng cuối cùng của mùa xuân, tháng 3 không chi là thời khắc đẹp nhất của mùa xuân mà còn là thời khắc chuẩn bi sang mùa" nhưng “hơi thở” nào có “dịu dàng" với đất và người miền Trung. Mặc dù tôi sinh ra trong gia đình thuần nông và nét “chân quê” chưa bao giờ thay đổi sau ba năm sống ở đất Tây Đô và đã bịt hai chiếc khẩu trang, đầu đội một chiếc nón có in hình hoa cúc nhỏ xinh mà mẹ tôi đã chuẩn bị, điều hoà trên xe vẫn cứ thổi, nhưng tôi vẫn cảm thấy không khí oi bức đến lạ lùng. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, sau nhiều lần đắn đo, tôi vẫn quyết định vén rèm che cửa hông xe, ghể xe được tôi nâng lên khoảng 70 độ để thu hết cảnh vật vào tầm mắt. Là người con của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhìn núi đồi xa xa khiến lòng tôi cảm thấy thích thú, những ngôi nhà đơn sơ, thưa thớt, vắng bóng người. Bỗng chợt một chiếc xe khác lướt tới, cå hai xe đột nhiên di chuyển chậm lại rồi dừng hắn, có lẽ bác tài xế cần trao đổi việc gì đó. Tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ Casio dây nâu xinh xắn trên tay - món quà giáng sinh năm ngoái tôi nhận được từ một người bạn - đã 12 giờ kém, tôi quan sát xung quanh kŷ lưỡng với vài phần thất vọng vì không thấy người dân địa phương. Hàng loạt câu hỏi liên tục hiện lên trong đầu: "Giữa giờ ngọ, nắng như đổ lửa thế này phải bắt gặp cảnh người dân đang ăn cơm, nghỉ trưa hoặc ít ra lũ trẻ trốn giấc ngủ trưa chơi vài trò chơi trước sân nhà, mà thỉnh thoảng vẫn được chúng ta "Xin một vé đi tuổi thơ” đó sao?. Trả lời tôi là những ngôi nhà khép hờ, im thin thít. Chợt xe vang lên tiếng khởi động báo hiệu cuộc hành trình sẽ được tiếp tục. Khi những cánh đồng hiện ra trước mắt, mọi thắc mắc đều sáng tỏ, bức tranh lao động thật đẹp nhưng cũng khiến tôi chạnh lòng: những người lớn và vẫn đang rải phân, phun thuốc trên cánh đồng mênh mông một số đứa trẻ tầm ngang vai người, gương mặt còn non nớt đang nhổ cỏ. Đứa nhỏ hơn không xuống ruộng, cũng theo ba mẹ, ngồi trong bóng râm của loài cây gì đó mà tôi không biết tên, nó nhìn về phía đoàn xe chúng tôi lướt ngang qua. Tôi trầm ngâm giây lát, liệu cậu bé có được may mắn như tôi?!

Suy nghĩ miên man ngổn ngang là thế, nhưng tôi chưa bao giờ cưỡng lại được giấc ngủ trưa, tôi hạ ghế và mơ màng. Cảnh vật thấp thoáng hiện ra, vô cùng quen thuộc, đó là ngôi trường làng chỉ vỏn vẹn hai phòng học, từng chiếc lá bàng đong đưa trước gió, văng vẳng bên tai tôi là âm thanh trầm, ấm áp của thầy Mến - giáo viên dạy tiểu học của tôi:

“Hạt gạo làng ta

Có bão tháng bảy

Có mưa tháng ba

Giọt mồ hôi sa

Những trưa tháng sáu

Nước như ai nấu

Chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ

Mẹ em xuống cấy …”

            Tôi chợt cau mày vì “giọt mồ hôi sa”, “nước như ai nấu”, “mẹ em xuống cấy”. Tôi thật sự hiểu được ý nghĩa của nó.

            Chuyến đi nào rồi cũng kết thúc, đúng nghĩa “đi xa để trở về”, tôi sà vào lòng kể cho cho mẹ nghe biết bao câu chuyện vui buồn. Chẳng biết từ lúc nào, tôi nhạy cảm và yêu quý hơn thành quả lao động, nhất là một thứ hạt nho nhỏ đã ôm ấp, nuôi nấng tôi nên người - đúng với ý nghĩa hạt ngọc mà ông trời ban tặng. Nơi tôi sống là vùng đồng bằng quanh năm được mẹ thiên nhiên ưu ái với lượng phù sa dồi dào, nước sông Tiền, sông Hậu vơi rồi lại đầy, người dân ít lo cảnh chạy lũ, nắng không “thiêu đốt” hay phải vượt cái rét căm căm. Mặc dù vậy, người dân quê tôi cần cù, chăm chỉ lắm. Minh chứng là từ năm 2008 các giống lúa: ST19, ST20, ST21, ST24, ST25 lần lượt ra đời và liên tục đoạt giải nhất ở các cuộc thi lúa gạo trong nước, khiến dư luận ngỡ ngàng, thán phục và người tiêu dùng ấn tượng, yêu thích. Riêng giống ST24 hai lần được Hội nghị thương mại gạo thế giới công nhận là giống lúa ngon nhất thế giới vào năm 2017 và năm 2019, còn giống ST25 là đàn em của ST24, được công nhận là ngon nhất thế giới và ngon thứ nhì thế giới năm 2020 [*]. Ngoài ra, hạt ngọc đâu đơn giản chỉ là thức ăn, nó còn tạo công ăn chuyện làm cho bà con quê tôi, trong đó, có cả gia đình tôi nữa. Cha tôi từng gắn một thập niên đời mình với chiếc máy tuốt lúa hay còn được gọi là “máy nhai” - huyền thoại thập niên 90. Tôi được nghe kể, trước 5 năm khi tôi ra đời, cha mẹ tôi đã dốc hết khoản dành dụm để mua máy tuốt, khi tôi bắt đầu nhận thức được, tôi rất ít khi được gặp cha vào ban ngày, tôi thức dậy đã không thấy cha, đến khi rời sập tối cha mới trở về. Lúc ấy, máy tuốt lúa là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Mỗi thời một cách sống, những năm ấy, người ta đâu có trả công bằng tiền như bây giờ, một công tầm lớn ứng với 1.296m sẽ được trả một giạ lúa (tương đương 20kg). Giá lúa lúc bầy giờ tầm 700 đến 800 đồng/kg nhưng nhờ nhiên liệu rẻ, giá dầu chỉ hơn 2.000 đồng/lít, nên cuộc sống gia đình tôi tạm ổn, nhưng vất vả thì không kể xiết. Tuy vậy, cũng có lúc gia đình tôi gặp việc không như ý, tôi nhớ như in, buổi chiều ba trở về với vẻ mặt hốc hác vì mất máu – những ngón tay cha tôi bị kẹt trong lúc làm việc - Mẹ nhai vội đọt chuối non và xé góc vải băng vội để cầm máu và đưa cha đến bệnh viện, vì không ai chăm, tôi cũng được mẹ dẫn đi theo, một lớn, một nhỏ ngồi bên ngoài, tôi vẫn không thôi hốt hoảng. Khi nhân viên y tế xử lý xong vết thương cũng là lúc bàn tay phải cha tôi vĩnh viễn không thể lành lặn lại nữa ... Thời gian sau đó không lâu, cha tôi lại tiếp tục nghề tuốt lúa mướn, mãi đến khi máy gặt đập liên hợp ra mắt dần thay thế cho chiếc máy tuốt truyền thống. Không thể không công nhận chiếc máy ấy giúp bà con tăng năng suất làm việc và giảm công lao động nên việc nhanh chóng được phổ biến rộng rãi là điều dễ hiểu. Chiếc máy tuốt lúa của cha tôi được “đắp chiếu” đến khi không dùng được nữa, cha quyết định bán hẳn cho ve chai. Và nó chỉ còn là ký ức của tuổi thơ tôi.

Bỏ nghề tuốt lúa mướn, cha tôi trở về dành hết thời gian chăm sóc cánh đồng sau nhà. Mỗi mùa thu hoạch lúa chín, cánh đồng quê tôi như được phủ tấm áo vàng óng ánh, mùi lúa thơm nhè nhẹ, thoang thoảng rồi chui vào mũi tôi, cảm giác thật khoan khoái. Tôi lúc đó vào cấp 2 nhưng hồn nhiên lắm, lẽo đẽo theo chân chị gái hơn tôi 2 tuổi đến những cánh đồng gần nhà. Chúng tôi thường ngồi trong những chiếc chòi dựng tạm bằng lá dừa của cô chú đi đồng, nghịch từng cọng năng lẫn trong bó lúa để tết thành võng đưa con búp bê lục bình, lúc đan thành rổ để chơi đồ hàng. Đợi đến khi máy tuốt hết hạt, bông lúa trơ trọi nằm xếp chồng lên nhau, chúng tôi sẽ nhặt những cọng thẳng, có độ dài tương đương nhau để làm bó chổi rơm quét bếp, chị tôi khéo tay lắm, bó cây nào cũng thật đẹp và chắc chắn. Mẹ tôi thấy con gái khéo léo cũng vui lắm nhưng đôi lúc cũng mắng yêu khi chúng tôi bị ngứa vì suốt ngày len lỏi trong mớ rơm. Thỉnh thoảng, mẹ đem mớ chổi biếu hàng xóm, khi được các bà, các cô khen chúng tôi lấy làm hãnh diện lắm! Mùa gặt và tuốt lúa chỉ kéo dài vài hôm thì kết thúc, nhưng đống rơm ở nhà hay gần nhà cũng chẳng vì thế mà được yên thân, thời ấy, rơm ít ai mua lắm, họa may bán cũng chỉ được vài nghìn đồng/công đất. Sau một thời gian, rơm mục đi, nhất là sau những trận mưa sẽ có những chiếc nám mơn mởn ngoi lên, đấy là lúc chúng tôi thích nhất. Tôi thường dành dụm tiền mua được gói mì Miliket, hái mớ rau dền, mồng tơi, bỏ nấm rơm vào là gia đình tôi sẽ có một bữa ăn ngon lành … ngày ấy, hạnh phúc đơn giản thế đó!

Quê tôi nghèo lắm, tôi đã chứng kiến từng người bỏ quê lên thành phố hoặc Bình Dương để làm lò gạch, khi cuộc sống ổn định, họ về đón con cái lên ở hẳn, trường vắng trò, tôi vắng bạn. Nhưng cha tôi kiên quyết ở lại vì lo chúng tôi thất học và sự thật, tôi được học hành đến nơi đến chốn. Đỉnh dịch COVID-19 bùng phát, làng quê nghĩa tình ấy dang rộng tay đón những người con xa xứ trở về nương náu. Cha tôi chia sẻ cách trồng trọt, chăn nuôi, tôi dạy kèm những đứa trẻ học không tiếp thu kịp kiến thức khi học online. Đôi lúc, tôi nghĩ mình chưa làm được gì lớn lao, nhưng tôi luôn có cha mẹ, mẹ từng nói tôi là ngọc quý mà cha nâng niu, dù chẳng rơi vào “đài các” nhưng tôi biết tự tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Suốt một đêm dài mộng mị, có lẽ đây là giấc mơ tôi nhớ rõ nhất trong hơn một tháng gần đây. Đồng hồ báo thức reo, tôi bật dậy, vội vàng thu dọn đơn giản, tôi lái xe về nhà. Vừa vào cửa, tôi thấy mẹ đang lụi cụi dưới bếp, tôi luyên thuyên kể mẹ nghe về giấc mơ hôm qua. Mẹ cười hiền, kêu tôi xới hộ nồi cơm, mùi cơm thoang thoảng trong không khí, chui vào mũi tôi thấy bình yên đến lạ. Bây giờ tôi đã được đi gần hết mảnh đất hình chữ S, nhưng bữa cơm gia đình luôn là điều khiến tôi mong đợi, từng hạt dẻo, thơm, gia đình sum vầy vài món canh chua, cá kho là đủ. Dù thời gian bao lâu, dù tôi là ai, là cô giáo của lũ học trò nhưng mãi là bé con của cha mẹ. Gạo là “hạt ngọc” của đất nước, còn tôi là “hạt ngọc” của gia đình mình …

[*] Trích dẫn nguồn thông tin từ “Hành trình từ Gạo ngon nhất thế giới đến Giải Thành tựu cống hiến trọn đời”: https://laodong.vn/kinh-doanh/hanh-trinh-tu-gao- ngon-nhat-the-gioi-den-giai-thanh-tuu-cong-hien-tron-doi-1117850.ldo

 


Đang online: 1
Hôm nay: 75
Đã truy cập: 17880