ÂM NHẠC HẬU GIANG - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Ngọc Phương Thảo
“Về Hậu Giang nhé em! về nơi chốn đưa nôi thuở nào/ Về Hậu Giang nhé em! dù mưa nắng sớm trưa dãi dầu/ Về Hậu Giang em ơi! đưa nhau về với miền quê xưa, nghe tiếng ru êm đềm/ Ví dầu ai nỡ quên nhau …” Với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, lời ca da diết lòng người của ca khúc Về Hậu Giang nhé em - nhạc sĩ Sơn Hà, chắc hẳn những cán bộ, công chức, viên chức được điều động từ Cần Thơ về tỉnh Hậu Giang năm 2004 sẽ không bao giờ quên cái không khí sôi nổi, hồ hởi nhưng không kém phần bỡ ngỡ của những tháng ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới trên vùng đất Hậu Giang như nhận định của lãnh đạo tỉnh: “ … tỉnh Hậu Giang được thành lập trong bối cảnh có nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu và thiếu … xuất phát điểm thấp nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long …”. Vào thời điểm đó, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chưa được thành lập nhưng đã xuất hiện các nhóm yêu thích văn thơ, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa … với lòng đam mê sáng tác được tập hợp từ cán bộ, công chức, viên chức trong và ngoài ngành Văn hóa cùng sinh hoạt, giao lưu với nhau rồi cùng được kết nạp vào phân hội chuyên ngành. Phân hội Âm nhạc Hậu Giang đã được hình thành như thế!
Nhớ lại thời gian ngày ấy, anh em sinh hoạt âm nhạc có nhận xét chung là ở vùng đất Hậu Giang này tuồng Cải lương, bài ca Vọng cổ rất được ưa thích, nhất là trong các đám cưới, đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng … thì các ca sĩ không chuyên thường hát trích đoạn tuồng Cải lương hoặc ca bài Vọng cổ, nếu có hát nhạc thì hầu như chỉ chuộng những bài hát theo điệu Bolero trước năm 1975 của chế độ cũ, thỉnh thoảng cũng chen vào các ca khúc cách mạng nhưng không được nhiều. Thế là anh Sơn Hà cùng anh em bảo ban nhau cố gắng sáng tác ca khúc mới có giai điệu mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, lời hát ca ngợi miền đất mới với những con người chung sức một lòng cùng nhau xây dựng quê hương phấn đấu vươn lên để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi cho mọi người cùng hát và thực hiện theo. Rồi một thời gian sau đó, các ca khúc mới toanh lần lượt ra đời: “… Em có về Hậu Giang, bên luống cải vàng hoa mới độ nào và trưa vàng nắng bướm lên cao, hàng cau mo mẹ già queo quắt, câu hò ơ cứ rạt rào …” - Em có về Hậu Giang - Lý Cảnh; “… Vị Thanh ơi! thương đất yêu người, em là cô gái không kiêu sa sao lắm mặn mà làm lòng ai luôn vấn vương, thắm tình quê hương, ta cùng nhau dựng xây quê mới …” - Hương sắc Vị Thanh - Vĩnh Phúc; “… Ơi! dòng Xà No êm đềm như tình Cha, dịu dàng như nghĩa Mẹ, một ngày vắng xa trăm ngàn thương nhớ …” - Xà No khúc hoài niệm - Hoàng Thống; hay “Em là cô gái quê miền Hậu Giang, quê hương mía đường, quê hương lúa vàng, quê hương no ấm mênh mang màu xanh … Này em gái ơi! nơi Cầu Đúc anh qua, khóm ngọt ân tình đem đi muôn nơi, đàn cá tung tăng dưới trăng sáng ngời …” - Em là cô gái Hậu Giang - Thu Phương … đã góp phần định hướng đời sống âm nhạc và các hoạt động văn hóa, văn nghệ của công chúng vào thời điểm lúc bấy giờ.
Phân hội Âm nhạc được thành lập ban đầu có số lượng trên dưới khoảng 10 người, nòng cốt vẫn là ngành Văn hóa rồi đến Kiểm lâm, Công an, Bộ đội; số lượng tác phẩm sáng tác mới rất đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu, phục vụ cho các Hội thi, hội diễn văn nghệ trong tỉnh; đồng thời, các nhạc sĩ bắt đầu tham gia các Cuộc thi sáng tác ca khúc của tỉnh, huyện; một số nhạc sĩ chịu khó chăm chút, đầu tư tác phẩm của mình gửi tham gia các Cuộc thi sáng tác ca khúc âm nhạc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các tỉnh và toàn quốc, đã đạt được những thành công rất đáng khích lệ.
Đầu tiên là nhạc sĩ Sơn Hà đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác ca khúc về ngành Y do Bộ Y tế tổ chức năm 2009 với ca khúc Khúc hát ngành Y; đoạt giải Nhì với ca khúc Cần Thơ trong trái tim ta - Cuộc thi sáng tác về TP Cần Thơ do Sở Văn hóa, Thể thao TP Cần Thơ tổ chức năm 2010; Ca khúc Ngẫu hứng đêm Xà No được bình chọn là tác phẩm hay nhất chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam năm 2009 do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại TP Cần Thơ; kế đến là nhạc sĩ Vĩnh Phúc, thường được anh em gọi vui là nhạc sĩ rừng bởi vì anh công tác trong ngành Kiểm lâm. Đoạt Huy chương vàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong Hội diễn Văn nghệ ngành Kiểm lâm toàn quốc năm 2008 với ca khúc Kiểm lâm lá chắn của rừng do anh sáng tác và biểu diễn; năm 2011, đoạt giải C Cuộc thi sáng tác ca khúc về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức với ca khúc Cây tràm cây lúa Hậu Giang và cũng cuối năm đó, đoạt giải B - Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với ca khúc Về lại Lung Ngọc Hoàng. Nhạc sĩ Hoàng Thống cũng sở hữu các ca khúc đoạt giải thưởng như: Hậu Giang ơi! - giải Khuyến khích Cuộc thi sáng tác ca khúc ĐBSCL năm 2008; Hậu Giang ơi! tiếng gọi lòng tôi - giải Nhì Cuộc thi sáng tác ca khúc ĐBSCL năm 2012; Gành Hào ơi! - giải Nhì Cuộc thi sáng tác ca khúc về huyện Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu; nối tiếp theo là nhạc sĩ Công an Trần Thanh Thủy đoạt giải Ba với ca khúc Anh người chiến sĩ an ninh - Cuộc thi sáng tác ca khúc về Công an nhân dân do TP Cần Thơ đăng cai tổ chức năm 2005; giải Ba - Cuộc thi sáng tác ca khúc ĐBSCL năm 2009 với ca khúc Vĩnh Long quê hương tôi; giải Ba với ca khúc Cung đàn quê hương - Cuộc thi sáng tác ca khúc về TP Cần Thơ năm 2010; song song theo đó, các nhạc sĩ Lý Cảnh, Trần Kiên Nhẫn, Lâm Nhựt Phong, Nguyễn Trung Hậu, Nguyễn Tuấn Ngọc … cũng đã đoạt nhiều giải thưởng cao trong các Cuộc thi sáng tác ca khúc do tỉnh Hậu Giang và các huyện tổ chức.
Năm 2010, Đại hội phân hội Âm nhạc nhiệm kỳ 2010 - 2015 với 12 hội viên đã bầu nhạc sĩ Trần Kiên Nhẫn làm phân hội trưởng; nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Phúc làm phân hội phó. Đến năm 2012, phân hội âm nhạc được Hội nhạc sĩ Việt Nam kết nạp 03 hội viên, gồm: nhạc sĩ Lý Cảnh, Trần Kiên Nhẫn, Nguyễn Vĩnh Phúc, ở thời điểm này, cùng với nhạc sĩ Sơn Hà, tỉnh Hậu Giang có 04 nhạc sĩ chuyên ngành Trung ương. Tiếp đến năm 2013, nhạc sĩ Trần Thanh Thủy được kết nạp vào Hội nhạc sĩ Việt Nam, do đã đủ số lượng 05 thành viên nên được tổ chức Đại hội Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hậu Giang lần thứ I nhiệm kỳ 2015 - 2020, bầu nhạc sĩ Phạm Sơn Hà làm chi hội trưởng, nhạc sĩ Trần Kiên Nhẫn làm chi hội phó.
Từ giai đoạn 2015 - 2020, Âm nhạc Hậu Giang đã có nhiều hoạt động khởi sắc, nhiều tác phẩm sáng tác mới là nòng cốt được Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh và các Trung tâm Văn hóa nghệ thuật cấp huyện thường xuyên sử dụng tập dượt, dàn dựng cho chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa trong tỉnh và tham gia các Hội thi, hội diễn văn nghệ toàn quốc. Tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ được nâng dần chất lượng tiếp tục đoạt các giải thưởng cao: 02 giải A, 01 giải B toàn quốc của Hội nhạc sĩ Việt Nam; 01 giải Khuyến khích toàn quốc; 02 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba, 02 giải Khuyến khích khu vực ĐBSCL và rất nhiều giải thưởng trong tỉnh, cùng với đó là số lượng hội viên phân hội từ 12 người đã tăng lên 18 người; được Hội nhạc sĩ Việt Nam kết nạp thêm 05 người, gồm: Ngụy Hoàng Thống, Nguyễn Trung Hậu, Lê Hoàng Chung, Lâm Nhựt Phong, Trần Thanh Dũng, nâng tổng số nhạc sĩ Hậu Giang là hội viên Trung ương lên 10 người.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025 của phân hội Âm nhạc đánh dấu sự đổi mới, chuyển mình về lực lượng sáng tác và tác phẩm. Thế hệ nhạc sĩ đầu tiên Lý Cảnh, Phạm Sơn Hà lần lượt xa rời cõi tạm; nhạc sĩ Trần Kiên Nhẫn, Tuấn Anh, Vũ Hưng do điều kiện gia đình, sức khỏe cũng đã lui về phía sau và được bổ sung bằng lớp trẻ như Hồ Công Quang, Nguyễn Quang Đông, Nguyễn Trung Nguyên, Huỳnh Hữu Nghĩa … với lòng đam mê, nhiệt huyết, ứng dụng thành thạo công nghệ 4.0 trong sáng tác, sáng tạo tác phẩm và sử dụng các phương tiện của công nghiệp văn hóa để giới thiệu, quảng bá tác phẩm âm nhạc của mình trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok, đặc biệt trong năm 2020, đã sáng tác, quảng bá các ca khúc tuyên truyền phòng chống đại dịch COVID-19 như: Cùng chung tay đánh bay SarS-CoV-2 - Vĩnh Phúc; 5K vượt qua đại dịch - Quang Đông; Niềm tin áo trắng - Trung Nguyên; Những chiến công thầm lặng - Công Quang. Và từ năm 2021 đến nay, các nhạc sĩ Hậu Giang cũng đã có thêm các giải thưởng sáng tác ca khúc: 01 giải Khuyến khích do Công an TP Hà Nội tổ chức năm 2021; 01 giải A Tiếng hát Làng Sen do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức năm 2022; 01 giải Nhì do UBND tỉnh Bình Định tổ chức năm 2022; 01 giải B - Liên hoan Âm nhạc toàn quốc do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 2023.
Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, Âm nhạc Hậu Giang với tuổi đời còn non trẻ so với các Hội Âm nhạc, phân hội Âm nhạc trong khu vực ĐBSCL và cả nước nhưng đã có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ với đội ngũ nhạc sĩ yêu nghề, tâm huyết, đam mê sáng tác, sáng tạo nghệ thuật, đã cho ra đời nhiều tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong giới nhạc sĩ đồng bằng và trong lòng người hâm mộ. Trong giai đoạn hiện tại với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin cùng với các phương tiện thông tin đại chúng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, lực lượng sáng tác của Hậu Giang đang trong thời kỳ chuyển giao đã có phần hơi chững lại, nhưng theo độ dài của thời gian, vẫn còn đó những cung bậc bổng trầm của giai điệu Hậu Giang trên nền tảng ca dao, điệu hò mang âm hưởng của miền sông nước Nam Bộ kết hợp cùng âm nhạc hiện đại với nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc của đời sống, lịch sử và công cuộc đổi mới của quê hương để những ca khúc Hậu Giang luôn mãi bay cao, bay xa như những đàn chim, cánh cò chao liệng trên khung trời thân thương Phụng Hiệp “… Một vùng phương Nam, bốn bề bạt ngàn, rừng tràm bao la xanh tươi mơn mởn lá, nghe vẳng xa câu hò, ơi à điệu lý nhớ ai? …” - Về lại Lung Ngọc Hoàng - Vĩnh Phúc; qua Ngã Bảy với sông nước hữu tình “Giữa dòng trôi, thuyền ai ngược xuôi đời thương hồ, sông về đâu? thuyền trôi về đâu? lao xao hoài con sóng …” - Bảy dòng sông nhớ - Sơn Hà; đến miền đất anh hùng Long Mỹ “… Đàn cò nghiêng cánh giữa đồng vàng, chiều buông nắng bờ tre xanh ngát, nghe bước chân nhẹ trong sương gió, tiếng gió reo tựa như tiếng sáo chào người về thăm …” - Như Bác về thăm - Trần Thanh Thủy; “ … Tiếng trống vang xa ngôi trường mới khang trang, Một Ngàn xuôi theo kênh Mười Bốn Ngàn xa, ngắm bông lúa vàng vườn cây trái hương ngọt ngào …“ - Yêu lắm Châu Thành A - Hồ Công Quang … trải dài theo kênh Xáng Xà No với huyền thoại lịch sử con đường lúa gạo Việt Nam, cùng hòa vào dòng chảy âm nhạc của đồng bằng sông Cửu Long, đó chính là niềm kiêu hãnh và cũng là niềm tự hào của vùng đất, con người Hậu Giang luôn gắn bó, nghĩa tỉnh, thủy chung, năng động luôn chung sức một lòng cùng nhau hướng đến tương lai.
“… Thương sao cánh cò bay trắng đồng vàng,
Đất lành cây trái ngọt ngào
Về lại quê hương để thương để nhớ
Mênh mang giọng hò
Ơ! ơ ơ ơ hò, hò ơ, ơ ơ ơ ơ …!”
(Về Hậu Giang nhé em - Sơn Hà)